Mặc dù đã có nhiều nhà vườn đầu tư kinh phí trồng dưa lưới nhà màng, tuy nhiên, đa phần các hộ nông dân vẫn chọn canh tác trên ruộng truyền thống. Nhằm giúp bà con có những vụ mùa bội thu, giảm bớt khó khăn trong quá trình trồng, Hoàng Ngưu Sơn sẽ hướng dẫn chi tiết kỹ thuật trồng dưa lưới ngoài trời trong bài viết dưới đây.
Mục lục
Yêu cầu ngoại cảnh khi trồng dưa lưới ngoài trời
Nhiệt độ
Dưa lưới phù hợp phát triển tại vùng khí hậu ấm áp, nhiệt độ lý tưởng từ 25 – 30 độ C. Nhiệt độ thấp hơn hoặc cao hơn sẽ khiến cây lớn chậm, không thụ phấn hoặc thụ phấn hỏng, trái rụng non.
Các ruộng tại miền Trung và miền Nam nước ta thích hợp trồng dưa quanh năm. Bà con miền Bắc có thể tham khảo 2 vụ mùa trồng chính là vụ Xuân Hè (từ tháng 3-4, thu hoạch tháng 5-7) và vụ Thu – Đông (từ tháng 9, thu hoạch tháng 12)
Ánh sáng
Dưa lưới là giống cây nhiệt đới ưa sáng. Cây con cần có đủ ánh nắng mặt trời 8 – 12 tiếng/ngày ngay từ lúc ra lá mầm đầu tiên và trong suốt thời kỳ sinh trưởng.
Nếu thời tiết quá âm u, cây không tổng hợp được đường và lượng chất rắn hòa tan, khiến cho quả nhạt, bở thịt. Đủ nắng sẽ giúp cây ra nhiều hoa cái, tăng tỷ lệ đậu quả, cho năng suất cao hơn.
Dinh dưỡng đất
Trong kỹ thuật trồng dưa lưới ngoài trời, dinh dưỡng đất là yếu tố vô cùng quan trọng mà bà con cần lưu tâm.
Dưa lưới trồng ngoài trời cần đất phải có độ pH từ 6 – 6.6. Đất tốt nhất cho dưa lưới sinh trưởng thuận lợi thường là đất phù sa màu mỡ, đất thịt nhẹ tơi xốp ở tầng canh tác sâu, độ ẩm 75 – 80%.
Quy trình kỹ thuật trồng dưa lưới ngoài trời
Cải tạo đất
Trước khi trồng dưa lưới tại ruộng ít nhất 15 – 20 ngày, bà con phải cải tạo đất thật kỹ để cung cấp đủ dinh dưỡng cũng như diệt trừ mầm bệnh.
Đầu tiên, vệ sinh ruộng thật sạch, thu gom cỏ dại và thân rễ cây mùa trước, đem tiêu hủy. Sau đó mới bắt đầu công đoạn phơi ải, xử lý đất.
Trong trường hợp sử dụng vôi bột khử khuẩn hoặc các loại thuốc BVTV, thời gian chờ cần kéo dài thêm 30 – 45 ngày. Tuy nhiên, khuyến khích bà con sử dụng các chế phẩm sinh học hữu cơ sẽ an toàn và tốt cho sức khỏe hơn.
Tham khảo thêm: Hướng dẫn cách xử lý đất trồng dưa lưới trực tiếp tại vườn chuẩn nhất
Gieo hạt
Nếu dùng hạt giống F1, có thể gieo ngay trực tiếp vào khay ươm mà không cần qua khâu ngâm ủ. Nhưng với các loại hạt giống khác, cần ngâm trong nước ấm từ 6-8 tiếng cho đến khi hạt nứt nanh.
Giá thể gieo mầm được phối trộn từ phân chuồng, tro trấu, đất thịt nhẹ tơi xốp, tỷ lệ 30:10:60. Mỗi lỗ gieo 1 hạt, tưới nước hàng ngày duy trì độ ẩm.
Sau 8-10 ngày, cây con ra 2-3 lá mầm chính, khi trời mát mẻ có thể đánh sang ruộng trồng. Lưu ý chọn cây khỏe mạnh, không dị dạng, không nhiễm sâu bệnh, chất lượng cây đồng đều.
Trồng cây con
Có 2 kỹ thuật trồng dưa lưới ngoài trời bao gồm:
Trồng trên giàn:
- Đánh luống rộng 1,1 – 1,2m. Trồng hàng đôi, mỗi cây cách nhau 40cm, mỗi hàng cách nhau 60-80cm.
- Khi cắm giàn phải có túi đeo để giữ quả, mỗi cây khi ra trái chỉ giữ lại 1 quả. Mật độ hợp lý để cây nhận đủ ánh sáng, phát triển tốt là 25.000 – 26.000 cây/ha
Trồng bò lan trên mặt đất:
- Nếu trồng hàng đôi, đánh luống rộng 5m hơi vồng lên ở giữa, trồng 2 bên. Nếu trồng hàng đơn, chỉ cần luống rộng 2,2m và trồng giữa luống.
- Khoảng cách mỗi cây ít nhất 60cm, mỗi ha trồng được từ 9.000 – 10.000 cây. Khi cây ra quả, có thể giữ lại 2-3 quả/cây tùy thực tế trái hoặc điều kiện thâm canh.
- Sau khi trồng, tưới nước ngay cho cây con. Đồng thời, dự phòng 5-10% số cây giống để trồng dặm nếu có cây chết, nhiễm bệnh.
Chăm sóc cây dưa lưới trồng ngoài trời
Bón phân
Bón lót cho dưa lưới trồng ngoài trời bằng phân NPK và phân chuồng. Dùng phân URE và DAP bón khi cây còn non.
Bón thúc chia làm 3 giai đoạn, với lượng phân bón áp dụng trên 1 hecta như sau:
- Lần 1: 18-20 ngày sau khi gieo, bón 40-50kg phân NPK 16-16-8
- Lần 2: 7-10 ngày sau khi đậu quả, bón 200-250kg NPK 16-16-8 và đạm cá pha loãng.
- Lần 3: 16-18 ngày sau khi đậu quả, sử dụng 100 kg KCl và đạm cá pha loãng
Tưới nước:
Khi trồng dưa lưới ngoài trời, cây tiếp xúc với ánh nắng trực tiếp nhiều hơn nên cần duy trì việc tưới giữ ẩm thường xuyên. Những ngày nắng nóng tăng lượng tưới và giảm khi trời âm u, mưa nhiều.
Kỹ thuật tưới đúng là tưới đẫm gốc, không tưới phủ từ ngọn xuống.
Làm giàn treo
Làm giàn cắm chữ A bao phía ngoài cây, cách cây 5-7 cm. Khi dưa phát triển thân leo bám vào cọc giàn, bà con dùng dây nilon mềm buộc lại, cách 2-3 ngày thực hiện 1 lần.
Nếu trồng dưa lan trên mặt đất, khi ra trái cần kê hoặc buộc lên để trái tròn đẹp, không bị thối hỏng, tránh nấm bệnh phát triển.
Cắt tỉa nhánh
Cắt tỉa bớt những nhánh ở nách lá thấp, chỉ giữ lại các quả mọc cách mặt đất khoảng 70cm.
Quan sát khi dưa leo đến đỉnh giàn, bấm ngọn để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Chỉ nuôi các nhánh mọc phía trên quả, thỉnh thoảng tỉa bớt lá cho những phần phía dưới không khuất nắng.
Phòng trừ sâu bệnh
Cây dưa lưới rất dễ bị sâu bệnh tấn công. Nếu trước đó bà con đã cải tạo đất kỹ bằng các chế phẩm sinh học thì sẽ đỡ được một phần nguy cơ.
Một số sâu hại và bệnh thường gặp ở dưa lưới trồng ngoài trời bao gồm: sương mai, thán thư, nứt thân chảy nhựa, phấn trắng, bọ trị, rệp, sâu vẽ bùa, rầy mềm. Khi cây có dấu hiệu bệnh, cần nhanh chóng cắt bỏ và tiêu hủy tránh lây lan.
Thu hoạch
Dưa lưới thu hoạch được là khi cây 65-75 ngày tuổi, trái đậu 28 – 35 ngày. Trước khi thu hoạch khoảng 8-10 ngày, giảm lượng nước tưới để tăng độ giòn ngọt cho dưa.
Trái dưa chín có màu vàng hoặc trắng ngà, vân lưới dày, đều, có mùi thơm. Không hái khi dưa còn màu xanh vì quả non sẽ nhạt hoặc đắng
Dưa lưới hái xong bảo quản trong nhà, vị trí khô mát, chờ thêm 2-3 ngày dưa sẽ càng ngọt đậm hơn.
Mong rằng, qua bài viết này, bà con nông dân đã nắm được kỹ thuật trồng dưa lưới ngoài trời, sẵn sàng cho các vụ mùa sắp tới. Trồng dưa lưới với kỹ thuật chuẩn chuyên gia sẽ mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao đời sống bà con.
Nếu bà con có thắc mắc cần hỗ trợ tư vấn, vui lòng liên hệ hotline Hoàng Ngưu Sơn 0388 555 522 .