Chịu tác động bởi dịch Covid-19, nông nghiệp Việt Nam đã có những biến động đáng kể. Sau đây là những sự kiện nông nghiệp nổi bật nhất trong năm 2021.
Giá phân bón tăng cao kỷ lục
Sau thời gian thực hiện giãn cách, nông dân té ngửa vì giá phân bón cao bất ngờ.
Nếu tính từ tháng 1/2021 đến hiện tại, giá một số loại phân tăng cao như Urê Phú Mỹ từ 6.750 đồng/kg lên 16.400 đồng/kg (tăng 142%); Urê Cà Mau từ 6.800 đồng/kg lên 17.000 đồng/kg (tăng 115%),…
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), giá phân bón cao đạt mức kỷ lục trong vòng 10 năm trở lại đây. Việc này làm cho các doanh nghiệp tiến thoái lưỡng nan. Nếu tăng giá quá cao sẽ ảnh hưởng đến người dân, còn nếu giữ nguyên doanh nghiệp lỗ do không phù hợp với cơ chế thị trường.
Thiệt thòi nhất là nông dân, giá nông sản không ổn định khiến cho bà con không dám đầu tư mạnh vào phân bón như các vụ trước, dẫn đến năng suất không cao, nông sản kém chất lượng, mùa màng thất thu.
Giá vải thiều lên đến 500.000 đồng/ kg
Vào ngày 26/5, 20 tấn vải thiều Bắc Giang xuất khẩu sang Nhật được tiêu thụ gần hết sau ngày đầu tiên, giá dao động từ 340.000 đồng -500.000 đồng/ 1kg.
Đặc biệt, ngày 12/06, 1 tấn vải thiều đã nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Mức giá chung của thị trường là 18 euro/hộp 1kg (tương đương hơn 500.000 đồng/kg).
Ùn tắc xe chở nông sản tại các cửa khẩu
Tại thời điểm 26/12, có khoảng hơn 5000 container chở hàng hóa nông sản ùn tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn, Móng Cái.
Tổng cục Hải quan cho biết, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma (tỉnh Lạng Sơn) là hơn 4.400 xe. Tại phía Trung Quốc, lượng phương tiện hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam còn tồn là 2.400 xe.
Do Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 nên hạn chế xe hàng hóa qua lại khu vực biên giới, có những cửa khẩu chỉ đáp ứng 20-25% so với lưu lượng thông quan hàng hóa bình thường, dẫn đến việc ùn tắc tại các cửa khẩu.
Việc này không chỉ gây ra thiệt hại lớn đối với các doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tiêu cục đến việc tiêu thụ nông sản của bà con nông dân vì không có đầu ra, giá nông sản sụt giảm mạnh.
Đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử
Các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và thói quen tiêu dùng của người dân đã có sự thay đổi rõ rệt trong đại dịch Covid-19. Việc mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến hơn.
Bắt kịp với xu hướng hiện tại, nông sản cũng đã có mặt trên các trang thương mại điện tử. Đã có 2 triệu hộ nông dân đăng ký gian hàng số trên Tiki, Sendo,…. với nhiều mặt hàng như vải thiều, nhãn, xoài.
Cũng trong năm 2021, Bộ NNPTNT đã quyết định thành lập Tổ công tác 970 để kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân 19 tỉnh, thành phía Nam chịu tác động bởi phong tỏa và giãn cách vì Covid-19, qua đó giúp nhiều mặt hàng nông sản đã được tiêu thụ kịp thời.
Giữa tình hình dịch phức tạp, các giao dịch trực tuyến trở thành cầu nối để người dân tiếp cận được các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày.
Để cập nhật nhiều tin tức bổ ích về nông nghiệp Việt Nam, mời bà con theo dõi Hoàng Ngưu Sơn tại các trang thông tin sau:
- Website: Hoàng Ngưu Sơn
- Facebook: Chế Phẩm Sinh Học Hữu Cơ Hoàng Ngưu Sơn
- Youtube: Tinh Hoa Chế Phẩm Sinh Học Hoàng Ngưu Sơn