Nhện là một trong những loài gây hại phổ biến trên cây có múi. Chúng sinh trưởng và phát triển mạnh khi gặp thời tiết khô hạn. Loại sinh vật này có thể tấn công cây ở nhiều giai đoạn, làm cây kém phát triển, còi cọc, chất lượng quả sụt giảm gây khó khăn cho việc tìm đầu ra. Vậy có bao nhiêu loại nhện gây hại trên cây có múi? Cách phòng trừ chúng ra sao? Hi vọng với bài viết dưới đây có thể giải đáp được thắc mắc cho bà con.
Mục lục
3 LOẠI NHỆN GÂY HẠI TRÊN CÂY CÓ MÚI
Loại nhện đỏ thuộc họ Tetranychidae
1/ Đặc tính của nhện đỏ và điều kiện phát triển
- Nhện đỏ khi trưởng thành dài khoảng 0,35mm và có màu đỏ sẫm.
- Chúng phát triển rất nhanh trong điều kiện thời tiết khô hạn, nắng ráo.
- Vòng đời của nhện đỏ ngắn nhưng sinh sản cực nhanh, một con nhện cái có thể đẻ hơn 70 trứng trong 1 tuần.
2/ Đặc điểm gây hại của nhện đỏ trên cây có múi
Cây bị nhện đỏ tấn công vào lá, trái cây rồi chích hút hết nhựa, cụ thể:
- Trên lá, nhện thường bám ở mặt dưới của lá, chúng ăn biểu bì và chích hút mô dịch của lá cây tạo thành những chấm nhỏ li ti xuất hiện trên lá. Dấu hiệu cây bị nhện đỏ tấn công mạnh là các vết chấm sẽ lan rộng ra, lá có màu trắng do mất hết chất diệp lục, sau đó bị khô và rụng.
- Nhện đỏ gây hại cả trên cành non, làm cho cành bị khô rồi chết.
- Đối với trái, loài nhện này thường tập trung ở phần cuống và đít trái, đặc biệt là ở các phần lõm. Khi trái còn non, nhện chích hút dịch ở các lớp biểu bì làm vỡ các tuyến tinh dầu trên vỏ trái, khiến cho trái bị biến màu tạo thành những đốm nhám sần sùi trên vỏ trái.
3/ Ảnh hưởng của loại nhện đỏ đối với cây có múi
Nhện đỏ là loại nhện gây hại trên cây có múi khiến cho lá cây không thể tổng hợp được chất dinh dưỡng khiến cho toàn bộ quá trình sinh trưởng và phát triển của cây bị đảo lộn. Kết quả là cây còi cọc, chậm phát triển và không thể ra quả đẹp, chất lượng như mong muốn.
Loài nhện vàng thuộc họ Eriophyidae của bộ Acarina
Nhện vàng là một trong những loại nhện gây hại trên cây có múi, có tên khoa học là Phyllocoptruta oleivora họ Tetranychidae, bộ Acarina.
1/ Đặc tính của nhện vàng và điều kiện phát triển
- Khi thành trùng, loài nhện này có màu vàng như của cà rốt và có kích thước vô cùng nhỏ chỉ bằng hạt bụi.
- Nhện vàng có 4 chân chụm với nhau nên chúng di chuyển khá chậm.
- Ở trên cây có múi, nếu như chúng có mật độ nhiều sẽ giống như một lớp bụi bám lên.
- Loài nhện này phát triển mạnh trong không khí nóng ẩm và chu kỳ sinh trưởng khá ngắn chỉ khoảng từ 8 đến 9 ngày.
- Trứng nhện có hình cầu và màu sắc thay đổi từ trắng đến vàng tùy vào từng giai đoạn của trứng. Thời gian ủ trứng là khoảng 3 ngày, thời gian sống của trùng là từ 12 đến 18 ngày (nếu ở trong không khí 30 độ C).
- Mật độ của loài nhện vàng có thể lên tới vài nghìn con trên một quả, khả năng sinh đẻ cao nên gây hại rất lớn cho trái.
2/ Biểu hiện của cây có múi khi bị nhện vàng tấn công
- Nhện vàng hại cây có múi chủ yếu từ những trái non cho đến trái già bằng cách cạp và hút dịch vỏ trái làm cho trái chuyển sang màu nâu hoặc nâu đen (da lu). Chất lượng trái bị hại giảm đáng kể, vỏ trái dày, trái nhỏ.
- Nhện vàng thường được tìm thấy trên những trái nằm khuất trong tán lá, nếu mật độ nhiều có thể dễ dàng bắt gặp chúng nằm ở phần rìa của tán, ít xuất hiện trên lá.
Loài nhện trắng thuộc họ Tarsonemidae
1/ Đặc tính của nhện trắng và điều kiện phát triển
- Khi trưởng thành, loài nhện này có kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng 0,1 -0,2 mm. Chúng có hình bầu dục và màu trắng bóng.
- Cơ thể của chúng có phủ một lớp lông mỏng và thưa.
- Phát triển mạnh trong điều kiện độ ẩm, và nhiệt độ không khí cao
2/ Biểu hiện khi nhện trắng hại cây có múi
- Khi tấn công vào các cây có múi, chúng thường tạo ra vết nám, sạm trên làm giảm giá trị thương phẩm. Chúng còn gây hại và phát triển trên cây cảnh và cỏ, đặc biệt là vào mùa hè ở các vụ chanh, cam. Khi ấy, các vết hại sẽ có màu vàng bạc hay màu giống như da cá mập lan rộng ra khắp bề mặt của quả.
- Chúng làm cho lá bị rậm rạp, méo mó, mép lá bị cong xuống khiến cho cây còi cọc, không phát triển được.
Biện pháp phòng trừ các loài nhện gây hại trên cây có múi hiệu quả
Vì các loại nhện có thể gây hại nghiêm trọng trên cây có múi nên bà con cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng trừ để bảo vệ cây khỏe mạnh hơn.
- Thường xuyên theo dõi vườn để phát hiện và phòng ngừa bệnh kịp thời, đặc biệt là khi cây ra lá non hoặc đậu quả.
- Không nên để vườn quá khô hạn, thường xuyên cải tạo độ ẩm và khí hậu mát cho vườn bằng cách tưới nước.
- Thường xuyên cắt tỉa lá già, cành già để tạo sự thông thoáng cho cây.
- Hạn chế sử dụng các loại phân bón hóa học trong vườn.
- Canh tác xen canh để hạn chế côn trùng, tạo điều kiện cho các loại thiên địch phát triển: ong để kiểm soát nhện vàng, nhện đỏ, nhện trắng.
- Chủ đồng phòng ngừa bằng cách sử dụng chế phẩm trừ sâu sinh học uy tín trên thị trường thường xuyên. Khi thấy cây băt đầu xuất hiện một vài con nhện đầu tiên, lập tức phun phòng ngay. Mật độ dày đặc hơn thì tăng liều lượng phun liên tục 2-3 ngày/ lần.
Tham khảo chế phẩm trừ sâu vi sinh tại đây
Trên đây là 3 loại nhện gây hại trên cây có múi phổ biến nhất tại các khu vườn cũng như là biện pháp phòng ngừa. Hoàng Ngưu Sơn hy vọng bà con áp dụng thành công các biện pháp trên để vụ mùa bội thu, năng suất, chất lượng nông sản đạt chuẩn.